Lúc 3:20 chiều 19/9, màn hình hiển thị thông điệp “Trái Đất cũng có hạn chót”.
Metronome là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt lớn nằm dọc cuối phía nam của quảng trường Union, New York. Trong hơn 20 năm qua, tác phẩm này bao gồm một đồng hồ điện tử có 15 chữ số rộng khoảng 18,8 mét và là một trong những dự án nghệ thuật công cộng ấn tượng nhất của thành phố.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người ta phát hiện ra rằng màn hình kỹ thuật số trên dường như đang truyền đạt những thông điệp mãnh mẽ hơn là chỉ đơn thuần để mọi người biết giờ giấc. Có thời điểm, người ta cho rằng nó hiển thị diện tích rằng nhiệt đới bị phá hủy mỗi năm, có lúc lại hiển thị dân số thế giới.
Mới đây nhất, chiếc đồng hồ đặc biệt này đã được tái lập trình để kêu gọi hành động nhằm ngăn chặn những tác động không thể đảo ngược của sự nóng lên toàn cầu.
Cụ thể, ngày 19/9 vừa qua, Metronome đã thực hiện một nhiệm vụ “nhạy cảm” về mặt sinh thái. Lúc 3:20 chiều, màn hình hiển thị thông điệp “Trái Đất cũng có hạn chót”. Sau đó, dãy số 7:103:15:40:07 xuất hiện, lần lượt đại diện cho số năm, ngày, giờ, phút và giây cho đến thời hạn đó.
Hai nghệ sĩ Gan Golan và Andrew Boyd, tác giả của ý tưởng gọi đây là “Đồng hồ khí hậu” và dãy số trên dựa theo tính toán của Viện nghiên cứu Mercator về biến đổi khí hậu ở Berlin.
Golan và Boyd.
Golan chia sẻ ngay trước khi đồng hồ bắt đầu đếm ngược từng giây: “Đây là cách chúng tôi dùng để nâng cao nhận thức của mọi người. Số phận của Trái Đất đang phụ thuộc vào chúng ta theo đúng nghĩa đen”.
“Đồng hồ khí hậu” sẽ được hiển thị đến hết ngày 27/9, kết thúc Tuần lễ khí hậu. Golan và Boyd cho biết họ đang tìm cách sắp xếp để đồng hồ được hiển thị lâu hơn, ở đó hoặc một nơi khác.
Golan cho biết anh nảy ra ý tưởng để minh họa công khai tính cấp thiết của việc chống biến đổi khí hậu từ hai năm trước, ngay sau khi con gái anh chào đời. Sau đó, anh mời Boyd hợp tác trong dự án.
Hai người nói rằng trước đó, họ đã làm một chiếc đồng hồ khí hậu cầm tay cho nhà hoạt động đến từ Thụy Điển, Greta Thunberg trước khi cô bé xuất hiện tại Hội nghị thượng đỉnh về hành động môi trường của Liên hợp quốc năm ngoái.
Tiếp đến, họ quyết định rằng đồng hồ khí hậu chỉ đem lại tác động mạnh nhất khi được trưng bày ở một không gian công cộng dễ thấy dưới dạng một tác phẩm nghệ thuật.
Cuối cùng, họ tìm đến “Metronome”, tác phẩm đa phương tiện của Andrew Ginzel và Kristin Jones, bao phủ khu vực cao 10 tầng trên bức tường nhìn ra quảng trường Union.
Ginzel và Jones cũng từng nghĩ đến việc dùng “Metronome” để góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng sâu sắc. Đến tháng 2, họ nhận được lá thư từ Golan và Boyd. Jones chia sẻ: “Nói như một phép màu khi chúng tôi có chung quan điểm”.
Đồng hồ khí hậu vẫn đang đếm ngược từng giây.
Stephen Ross, chủ tịch của đơn vị sở hữu tòa nhà cho biết: “Đồng hồ khí hậu sẽ nhắc nhở thế giới mỗi ngày rằng chúng ta đang ở gần bờ vực nguy hiểm như thế nào. Sáng kiến này sẽ khuyến khích mọi người chiến đấu vì tương lai của hành tinh chúng ta”.
Để miêu tả dự án cụ thể hơn, Golan và Boyd đã tạo ra một trang web trong đó giải thích các con số của đồng hồ và một số báo cáo uy tín về biến đổi khí hậu cũng như đánh giá khoa học về vấn đề này. Một báo cáo cho biết mức độ ấm toàn cầu dự kiến sẽ làm tăng thiệt hại cho nhiều hệ sinh thái với con số ước tính 54.000 tỷ USD.